Chiều 31/5, tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có buổi làm việc với các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2017-2020. Cùng tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bùi Văn Ga, lãnh đạo một số Vụ, Cục, đơn vị thuộc Bộ.
Tại đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao sự hợp tác giữa Bộ Ngoại giao với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian qua nhằm thúc đẩy sự phát triển nền giáo dục nước nhà. Trong đó khẳng định, hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, những năm gần đây, hoạt động này đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó có sự đóng góp quan trọng của Bộ Ngoại giao cũng như các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì buổi làm việc với các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam
ở nước ngoài nhiệm kỳ 2017-2020
“Kết quả này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cũng như chất lượng nghiên cứu khoa học trong nhiều lĩnh vực mà còn góp phần xây dựng và quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Vì chúng tôi quan niệm, giáo dục đào tạo cũng là một kênh để ngoại giao - ngoại giao giáo dục, ở đâu có học sinh, sinh viên Việt Nam là giáo dục Việt Nam, hình ảnh Việt Nam đã vươn tới đó” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nhấn mạnh đến hội nhập tư duy giáo dục, Bộ trưởng cho rằng, hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo không chỉ dừng lại ở việc có bao nhiêu suất học bổng, quản lý học sinh, sinh viên học tập ở nước ngoài ra sao mà mấu chốt là hội nhập về tư duy giáo dục.
“Quan trọng của quá trình hội nhập là phải đổi mới cách nghĩ, cách nhìn nhận, cách tư duy về hội nhập. Điều này đã được ngành giáo dục đề cập rồi nhưng dường như đến nay tư duy về hội nhập giáo dục toàn cầu vẫn chưa thực sự thấm vào mỗi thầy cô giáo, mỗi học sinh, sinh viên. Trong xu thế toàn cầu hóa, tư duy hội nhập cần bắt đầu từ cách tiếp cận của công dân toàn cầu” - Bộ trưởng cho hay.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chụp ảnh lưu niệm với các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam
ở nước ngoài nhiệm kỳ 2017-2020
Từ đó, người đứng đầu ngành Giáo dục mong muốn, các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ hỗ trợ để chia sẻ những tư duy giáo dục, những xu hướng của giáo dục các nước, đặc biệt là công dân toàn cầu. Sắp tới đây UNESCO sẽ ban hành tiêu chí của công dân toàn cầu, trong khuôn khổ các tiêu chí, Việt Nam sẽ nhìn nhận được mình đang ở đâu, học sinh Việt Nam còn thiếu những gì để có giải pháp hoàn thiện.
Cụ thể hơn, Bộ trưởng đề nghị, các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ hỗ trợ ngành Giáo dục thông qua việc cung cấp những thông tin về nhu cầu giáo dục đào tạo của các nước, những kinh nghiệm hay trong cải cách, đổi mới giáo dục của thế giới, từ quản lý vĩ mô tới từng bậc học như phổ thông, đại học có thể áp dụng tại Việt Nam.
“Chúng tôi cần biết, các nước quản lý giáo dục thế nào, cách tiếp cận với đổi mới có giống Việt Nam hay không để nắm bắt được những mô hình hay và cả những mô hình chưa hay, lấy đó làm kinh nghiệm cho đổi mới giáo dục ở Việt Nam” - Bộ trưởng cho biết.
Với mong muốn, mỗi đại sứ quán Việt Nam sẽ là cánh tay nối dài của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng đề nghị, các đồng chí trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ chủ động hơn nữa trong việc thúc đẩy ký kết các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, mở ra những cơ hội hợp tác thuận lợi để nâng cao chất lượng nền giáo dục nước nhà.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga trao kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” cho các đại sứ,
cựu đại sứ Việt Nam ở nước ngoài đã có những đóng góp quan trọng thúc đẩy hợp tác
quốc tế trong lĩnh vực giáo dục đào tạo
“Tới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có những chuyến công tác đến một số nước để xúc tiến đầu tư vào giáo dục. Chúng tôi sẽ chuẩn bị thật kỹ để mỗi chuyến đi sẽ mang lại kết quả thiết thực bằng những ký kết hay cam kết đầu tư cụ thể vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Sau ký kết sẽ là quá trình triển khai thực hiện, khi đó sẽ rất cần đến vai trò hỗ trợ đôn đốc từ các đại sứ quán và các đồng chí trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài” - Bộ trưởng nêu rõ.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tới vai trò kết nối của các đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài với các trí thức Việt kiều nhằm thực hiện chính sách thu hút người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ cao về nước giảng dạy và công tác; vai trò thẩm định chất lượng cũng như kết nối trong việc thu hút các cơ sở giáo dục nước ngoài hợp tác đầu tư tại Việt Nam. Theo Bộ trưởng, việc có thêm các cơ sở giáo dục nước ngoài vào nước ta hoạt động không chỉ giúp chúng ta học hỏi được phương pháp tư duy, cách thức tổ chức, chương trình đào tạo mà còn giảm được một lượng lớn ngoại tệ chuyển ra nước ngoài hàng năm từ hoạt động du học.
Nhân dịp này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” cho 13 đại sứ, cựu đại sứ Việt Nam ở nước ngoài đã có những đóng góp quan trọng thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Nguồn: Trung tâm Truyền thông giáo dục - Bộ Giáo dục và đào tạo